Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020
Lượt xem:
UBND TỈNH ĐẮK LẮK SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 04/KH-SGDĐT | Đắk Lắk, ngày 04 tháng 02 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới
của vi rút Corona (nCoV) và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020
Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 06) về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra;
Căn cứ Công văn số 265/BGDĐT-GDTC ngày 01/02/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai Chỉ thị 06; Công văn số 260/CĐ-BGDĐT ngày 31/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trong trường học; Kế hoạch số 51/KH-BGDĐT ngày 31/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị 44/CT-TU ngày 31/01/2020 của Tỉnh uỷ Đắk Lắk về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra;
Căn cứ Công văn số 789/UBND-KGVX ngày 03/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020;
Căn cứ Thông báo số 12/TB-VPUBND ngày 03/02/2020 về kết luận của đồng chí H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) tại cuộc họp ngày 03/02/2020,
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020 (sau đây viết tắt là “phòng chống dịch bệnh”) như sau:
- MỤC TIÊU
- Mục tiêu chung
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh; chủ động ứng phó có hiệu quả nhất góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Mục tiêu cụ thể
– Theo dõi, quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học.
– Phối hợp với ngành y tế xây dựng chương trình hành động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên và cha mẹ học sinh về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân.
– Triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh học đường, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.
- NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
- Công tác chỉ đạo, điều hành
– Chủ động, kịp thời nắm bắt các chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch cấp tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản điều hành, hướng dẫn toàn ngành GDĐT triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
– Chỉ đạo các cơ sở GDĐT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với với ngành Y tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương trong dõi tình hình diến biến dịch bệnh và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học, địa phương.
– Chỉ đạo tăng cường hiệu quả hoạt động y tế trường học; nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên; đảm bảo các quy định về trang thiết bị, thuốc thiết yếu, phòng y tế của các cơ sở GDĐT để ứng phó với dịch bệnh.
– Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch các cấp. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
- Tăng cường công tác truyền thông
– Quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Trung ương, địa phương và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Ngành GDĐT để cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên (CBGVNV), trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên (HSSV) nắm vững tầm quan trọng, yêu cầu, nội dung của công tác phòng, chống dịch bệnh.
– Đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và cộng đồng để phối hợp phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe HSSV.
– Đa dạng hóa hình thức truyền thông. Phát huy hệ thống thông tin của Website Ngành và các phương tiện truyền thông nhằm thông tin đầy đủ tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm, công tác phòng, chống dịch bệnh,… giúp các nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh không hoang mang, không sợ hãi và cũng không mất cảnh giác, bình tĩnh đối phó với dịch bệnh.
– Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan báo đài trung ương, địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông.
– Biểu dương kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường công tác phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh
– Phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho CBGVNV và HSSV, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, khử khuẩn lớp học; kịp thời phát hiện và thực hiện đầy đủ các biện pháp khám bệnh, cách li, điều trị…
– Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có trường hợp mắc bệnh, phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo; hoặc về đường dây nóng hoạt động 24/24, cụ thể:
+ Số điện thoại đường dây nóng Sở Y tế: 0925.107979;
+ Số điện thoại đường dây nóng Bệnh viên đa khoa Vùng Tây Nguyên: 0262.3919.009;
+ Số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: 0262.3811.712.
– Phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiêp – giáo dục thường xuyên.
– Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường công tác thông tinm, tuyên truyền.
– Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể để thực hiện phòng chống dịch bệnh nhà trường và địa phương.
– Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh và triển khai các giải pháp để kịp thời phát hiện những trường hợp HSSV có nguy cơ hoặc các dấu hiệu bị bệnh để kịp thời phối hợp với cơ sở y tế khám bệnh và điều trị.
- Công tác kiểm tra, thanh tra
Tổ chức các Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học trong các cơ sở GDĐT trên địa bàn tỉnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Sở Giáo dục và Đào tạo
– Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 44/CT-TU ngày 31/01/2020 của Tỉnh uỷ Đắk Lắk, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD ĐT, của UBND tỉnh và của ngành Y tế và Kế hoạch của Ngành GD ĐT về phòng, chống dịch bệnh.
– Ban hành các văn bản hướng dẫn, điều hành công tác phòng chống dịch bệnh trong toàn ngành.
– Hướng dẫn việc cho phép học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
– Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện của từng đơn vị, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.
– Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.
– Kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến dịch bệnh trong toàn ngành, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh để xử lý.
– Tổ chức kiểm tra, thanh tra; tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục – đào tạo trực thuộc
– Cập nhật, theo dõi, liên hệ thường xuyên với các cơ quan quản lí trực tiếp, Ban Chỉ đạo chống dịch bệnh cấp huyện, thị xã, thành phố và các Trung tâm Y tế địa phương; cập nhật đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo, thông tin chính thống để triển khai, phổ biến trong các cơ sở giáo dục.
– Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị; triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV và dịch bệnh mùa đông xuân theo các văn bản chỉ đạo có liên quan của các cấp quản lí.
– Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tại địa phương tổ chức ít nhất 01 buổi ngoại khóa tuyên truyền và phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV và dịch bệnh mùa đông xuân cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh để nâng cao nhận thức và ý thức phòng tránh dịch bệnh, không hoang mang, không chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
– Theo dõi và quản lý tốt sức khỏe trẻ em, HSSV, CBGVNV của đơn vị nhằm phát hiện sớm các trường hợp bất thường, nghi mắc bệnh để thông báo ngay cho cơ quan y tế khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch bệnh xuất hiện và lây lan trong trường học.
– Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh để nắm bắt kịp thời tình hình, diễn biến sức khỏe học sinh. Trường hợp học sinh đến những vùng có dịch, có các triệu chứng sốt, ho, khó thở,… phải được đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, không cho các em đến trường khi sức khỏe chưa ổn định. Nhà trường nhập sổ theo dõi sức khỏe học sinh, đề nghị cha mẹ học sinh thông báo lại kết quả kiểm tra của bệnh viện, nộp giấy khám sức khỏe hoặc giấy nhập viện (để không tính vào ngày nghỉ) và có kế hoạch cho học sinh học bù để đảm bảo chương trình giáo dục.
– Hướng dẫn trẻ em, HSSV, CBGVNV giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Nhà trường chủ động trang bị sẵn khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay, sẵn sàng cung cấp (miễn phí) cho giáo viên, học sinh quên mang theo.
– Nhà trường chủ động phối hợp với Trung tâm y tế địa phương để mua các dung dịch khử khuẩn, xà bông, cồn, … để đảm bảo vệ sinh trường, lớp. Thực hiện đầy đủ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch; thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Trường có thực hiện công tác bán trú, nội trú cần tăng cường vệ sinh chiếu, mền và phòng ngủ.
– Chủ động phối hợp với Bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố, trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế địa phương, các trạm y tế (xã, phường, thị trấn) tổ chức điều tra, giám sát, phát hiện cách ly, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; chủ động báo cáo khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
– Tiếp tục hướng dẫn học sinh thực hiện các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, tự chăm sóc khỏe, công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, tuân thủ việc ăn chín, uống chín,…).
– Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chế độ rèn luyện thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để dự phòng các bệnh không lây nhiễm.
– Huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, vệ sinh trường lớp.
– Các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành của các đơn vị. Nguồn trích bảo hiểm y tế học sinh theo quy định hiện hành.
– Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các báo cáo:
Báo cáo nhanh (theo Mẫu 01 đính kèm) về Sở GDĐT trước ngày 08/02/2020 và Kế hoạch phòng chống dịch bệnh của đơn vị trước ngày 12/02/2020 qua Email nội bộ của Phòng Chính trị, tư tưởng để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Bộ GDĐT.
Trong thời gian diễn biến dịch bệnh, nếu phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tại đơn vị, thủ trưởng đơn vị báo cáo (theo Mẫu 02 đính kèm) về Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của địa phương; đồng thời báo cáo về Sở GDĐT qua Văn Phòng Sở (Email nội bộ và điện thoại: 0262.3857421) hoặc qua Phòng Chính trị, tư tưởng (Email nội bộ và ĐT: 0262.3811388).
Nơi nhận:
– Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; – Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; – Bộ GDĐT (VP ,Vụ GDTC, Vụ CTCT&HSSV); – Sở Y tế; – Sở LĐ, TB&XH; – Các cơ quan truyền thông; – UBND các huyện/thị xã/ thành phố; – Lãnh đạo Sở; – Trưởng phòng CMNV Sở; – Trưởng Phòng GDĐT; – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX; – Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; – Lưu: VP, CTTT. |
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
(Đã ký)
Bùi Hữu Thành Cát
|